(TN&MT) – Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu trong chuỗi cung ứng bao bì nhôm, để khởi động một dự án tái chế lon nhôm tuần hoàn khép kín, lon nhôm đã qua sử dụng sẽ được thu thập, xử lý và tái chế thành lon mới.
Ngày 16/6, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các doanh nghiệp tư nhân uy tín hàng đầu trong chuỗi sản xuất và tái chế lon nhôm, gồm: Công ty TNHH TBC-BALL Việt Nam, Công ty TNHH UACJ (Thái Lan), Công ty TNHH Anglo Asia (Thái Lan) và Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ về việc triển khai dự án tái chế tuần hoàn khép kín Lon – thành – Lon (“Can – to – Can”).
Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Dự án tái chế tuần hoàn khép kín Lon – thành – Lon (“Can – to – Can”) là một minh chứng thú vị cho mô hình kinh tế tuần hoàn, một chiến lược có thể góp phần vào hiện thực hóa mục tiêu của Việt Nam là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Dự án tái chế tuần hoàn khép kín theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn là phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG); góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Dự án tái chế tuần hoàn khép kín “Lon-thành-Lon” được thành lập để đáp ứng tiềm năng tái chế của lon đồ uống bằng nhôm đã qua sử dụng (Used Beverage Can (“UBC”) ở Đông Nam Á. Lon đã và đang thành bao bì đồ uống được tái chế rộng rãi nhất trên thế giới, ở với tỷ lệ tái chế 69% trên toàn cầu, 76% ở châu Âu, và tăng lên đến 99% ở Đức. Dự án nhằm mục đích tăng tỷ lệ tái chế lon tại Việt Nam, để nâng cao tỷ lệ tái chế của vật liệu nhôm trong lon và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của việc tái chế, tái sử dụng vật liệu nhôm, đóng góp cho nền kinh tế tuần hoàn. Sử dụng nhôm tái chế để sản xuất lon mới tiết kiệm năng lượng hơn 95% so với sản xuất lon nhôm mới từ nhôm nguyên sinh.
Dự án thí điểm đặt mục tiêu thu gom 620 tấn trong một năm, tương đương hàng trăm triệu triệu lon nước giải khát đã qua sử dụng tại Việt Nam để tái chế và cho ra lon mới. Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam đang xử lý việc thu gom, theo đó Lagom sẽ bắt đầu thu gom các UBC tại các nhà hàng, sau đó, gửi các UBC đã bảo lãnh đến Công ty Anglo Asia (Thái Lan) để xử lý khử sơn và làm vụn. Từ đó, Công ty UACJ (Thái Lan) sẽ sản xuất tấm lon nhôm và cuối cùng gửi nó cho TBC-Ball Beverage Can để sản xuất thế hệ lon nước giải khát nhôm tiếp theo từ cùng một kim loại.
Ông Amit Lahoti, Giám đốc cấp cao và Tổng Giám đốc châu Á về bao bì đồ uống Ball cho biết: “Chúng tôi tự hào về sự hợp tác với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), Công ty TNHH UACJ (Thái Lan), Công ty TNHH Anglo Asia (Thái Lan), và Công ty Cổ Phần Lagom , thiết lập ‘Dự án tái chế tuần hoàn khép kín “Lon – thành – Lon” (“Can – to – Can”)”. Lon nhôm là một sản phẩm hoàn hảo cho nền kinh tế tuần hoàn do lon nhôm có thể tái chế vô hạn. Nỗ lực chung trong chuỗi sản xuất bao bì nhôm này có thể đóng một vai trò quan trọng và hữu ích cùng những nỗ lực chung của Việt Nam để tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn và bền vững.
Việc tái chế lon-thành-lon này mang lại nhiều lợi ích cho môi trường, xã hội và quốc gia vì các lon nhôm đã sử dụng sẽ được thu thập để tái chế thành lon mới. Bên cạnh đó, cách thực hiện này sẽ tiết kiệm và bảo vệ được tài nguyên và giảm năng lượng. Ngoài ra, cũng giảm lượng khí thải carbon, giảm lượng chất thải đi vào bãi rác và tạo ra một môi trường xanh, sạch, đẹp cho Việt Nam.
Nguồn: Báo điện tử Bộ Tài Nguyên và Môi Trường