Tỷ lệ tái chế bao bì ở VN và cách thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn

Tháng Một 19, 2023

Dưới các tác động tiêu cực từ chất thải, nền kinh tế tuần hoàn được xem là giải pháp hết sức cần thiết cho bao bì sau sử dụng, đặc biệt là đối với bao bì lon nhôm. Nghiên cứu gần đây cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ tái chế trung bình của bao bì lon nhôm đang ở mức 77%.

Thực trạng thu gom và tái chế chất thải ở Việt Nam

Eunomia Research & Consulting – công ty tư vấn quản lý môi trường và chất thải tại Anh Quốc cho biết, hiện nay có hơn 728.000 tấn bao bì đồ uống dưới dạng nhựa PET, HDPE, chai PP, chai thủy tinh và lon nhôm được đưa ra thị trường. Thế nhưng không phải 100% bao bì đều được thu gom đúng cách hoặc có thể mang đi tái chế.

Tại Việt Nam, ước tính lượng rác thải bao bì đồ uống thải ra môi trường hàng năm là 728.000 tấn dưới dạng nhựa PET, HDPE, chai PP, chai thủy tinh và lon nhôm
NGUỒN: EUNOMIA RESEARCH & CONSULTING

Trong khi phần lớn việc tái chế rác thải đô thị ở Việt Nam do khu vực phi chính thức đảm nhận với tỷ lệ thu gom dao động từ 40% – 95%. Hà Nội, TP.HCM là hai thành phố có khả năng thu gom cao ở mức 95%, riêng khu vực nông thôn thì con số này thấp hơn rất nhiều.

Theo nghiên cứu mới nhất từ Eunomia (2022), không phải tất cả các vật liệu đều có khả năng tái chế như nhau. Các nhà nghiên cứu cho thấy rằng bao bì đồ uống bằng nhôm có tỷ lệ tái chế cao nhất với tỷ lệ trung bình 77% trong khi chai nhựa PET, bao bì giấy nhiều lớp (carton) và thủy tinh lần lượt ở mức 45%, 4% và 14%.

Theo nghiên cứu từ Eunomia, bao bì đồ uống bằng nhôm có tỷ lệ tái chế cao nhất với 77% trong khi chai nhựa PET, bao bì giấy nhiều lớp (carton) và thủy tinh lần lượt ở mức 45%, 4% và 14%

Mặc dù quá trình tái chế luôn xảy ra thất thoát nguyên vật liệu, tuy nhiên lon nhôm có tỷ lệ thất thoát ít nhất (4%), trong khi những nguyên liệu khác như nhựa (10%), bao bì hộp nhiều lớp hoặc carton box (28%)… có mức thất thoát cao hơn rất nhiều. Thực tế cho thấy sự phức tạp trong cấu trúc của bao bì nhiều lớp làm tăng tỷ lệ thất thoát và lon nhôm có tỷ lệ hao hụt thấp nhất bởi nó được làm từ vật liệu đơn.

Nguồn: Nghiên cứu về Tỷ lệ Tái chế Bao bì đồ uống và chi phí tái chế tại Việt Nam (cantocan.com.vn)